Tác dụng của hệ thống cân bằng điện tử ESP ít người biết
Hệ thống cân bằng điện tử ESP có thể can thiệp vào cả hộp số khi cần thiết
Hệ thống cân bằng điện tử ESP có khả năng nhận diện trước mối nguy hiểm, đưa xe về trạng thái cân bằng
Tác dụng của hệ thống cân bằng điện tử ESP
Nếu như hầu hết các tài xế điều biết kiến thức về hệ thống phanh ABS thì hệ thống cân bằng điện tử lại là điều khá mới lạ. Hệ thống cân bằng điện tử ESP được đánh giá là cao cấp hơn hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD và ABS. Hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xe hạn chế bị trượt trên đường trơn, đường sỏi đá. Trong trường hợp lái xe lỡ đánh dư lái đột ngột thì hệ thống ESP cũng có thể can thiệp, tự động chuyển hướng, giúp xe lấy lại cân bằng.
Hệ thống cân bằng điện tử ESP có khả năng nhận diện trước mối nguy hiểm, đưa xe về trạng thái cân bằng
Cấu tạo của hệ thống cân bằng điện tử ESP
Do được phát triển trên cơ sở hệ thống ABS và EBD nên ngoài việc hệ thống cân bằng điện tử ESP có thể sử dụng các cảm biến của 2 hệ thống “con” thì nó còn có khả năng can thiệp vào bướm ga và hộp số để tăng hoặc giảm công suất động cơ. Chính vì có vai trò lớn nên cấu tạo của ESP cũng phức tạp hơn. Ngoài các hệ thống đã có sẵn như bộ xử lý ECU, cảm biến tốc độ xe hay cảm biến tốc độ mỗi bánh xe thì hệ thống ESP còn có các bộ phận như:
Hệ thống cân bằng điện tử ESP có cấu tạo tương đối phức tạp
Cảm biến bướm ga: Nhận diện vị trí bướm ga để can thiệp vào việc đóng hoặc mở
Cảm biến áp lực phanh: Can thiệp vào hệ thống dầu để tăng hoặc giảm áp lực
Cảm biến góc lái: Đo góc đánh tay lái và so sánh với hướng di chuyển của xe.
Cảm biến chân ga: Trong trường hợp tài xế đạp quá ga so với góc lái, hệ thống ESP sẽ can thiệp để xe được cân bằng.
Cảm biến gia tốc và tỷ lệ lệch ngang thân xe: Trong trường hợp tài xế vào cua quá nhanh hoặc đánh lái đột ngột khiến cho xe mất kiểm soát thì cảm biến gia tốc ngang có trách nhiệm chuyển thông tin này về cho ECU xử lý
Nguyên lý hoạt động của hệ thống cân bằng điện tử ESP
Nhà sản xuất sẽ cài mặc định các thông số về độ trượt ngang của xe, tốc độ, góc đánh vô-lăng, áp lực phanh và công suất máy cho ECU. Khi các cảm biến gửi các thông số vượt quá ngưỡng mặc định này về ECU thì hệ thống ESP sẽ can thiệp ngay lập tức vào việc điều chỉnh bướm ga, công suất máy hoặc áp lực phanh để đưa xe trạng thái ổn định. Theo những chuyên gia giàu kinh nghiệm lái xe ô tô, khi bạn vào cua trong điều kiện đường quá trơn trượt hoặc tay lái đánh quá đà thì cảm biến gia tốc ngang và cảm biến góc lái sẽ nhận diện tình huống xe sắp bị trượt. Các tín hiệu này sẽ được báo về cho ECU. Tại đây, máy tính trung tâm sẽ truyền tín hiệu cho hệ thống EBD phanh, giảm tốc cả 4 bánh hoặc từng bánh ở cầu trước và sau giúp xe lấy lại trạng thái cân bằng. Trong trường hợp, tình huống nghiêm trọng hơn, thì ESP sẽ can thiệp để ngắt bướm ga, giảm công suất động cơ hoặc thay đổi thời gian đánh lửa trong bugi giúp giảm mô-men xoắn.
Hệ thống cân bằng điện tử ESP có thể can thiệp vào cả hộp số khi cần thiết
Hiện nay, hệ thống ESP đã được nâng cấp để có thể can thiệp vào cả hộp số khi cần. Trong tình huống đổ đèo, mặc dù xe đang được hãm bằng động cơ nhưng độ dốc lớn và tài xế sử dụng sai cấp số, khiến cho xe có nguy cơ bị mất kiểm soát thì ESP sẽ nhận được nguy cơ này và lập tức can thiệp để tăng hoặc giảm cấp số giúp bánh xe lấy lại độ bám và giữ cho xe có được cân bằng. Chính vì vậy, có nhiều trường hợp, hệ thống ESP đang hoạt động mà bạn không nhận ra được.
Theo các chuyên gia đánh giá xe thì hệ thống ESP giống như một “người thầy” sửa chữa lỗi mà các tài xế mắc phải. Khi tài xế thao tác sai, hệ thống này sẽ chỉnh lại các thông số sai lệch, giúp cho xe lấy lại cân bằng. Ngoài ra, ESP cũng được coi là “người gác đền” lý tưởng khi có thể nhìn trước được các mỗi nguy hiểm và hoạt động đồng thời cùng hệ thống ABS, EBD để đưa xe thoát khỏi tình huống khẩn cấp một cách an toàn.
Leave a Reply